Tin tức Tin tức

Bài giảng đại chúng: Một số phương pháp phân loại chất lượng ấn phẩm khoa học phổ biến trên thế giới và xu hướng đánh giá ở Việt Nam

Công bố khoa học là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá công việc của một nhà khoa học. Xuất bản các ấn phẩm khoa học vừa là động lực vừa là nhiệm vụ thường trực của mỗi nhà khoa học. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới có quá nhiều nhà xuất bản và vô vàn hình thức xuất bản khác nhau với chất lượng thượng vàng hạ cám, thật giả lẫn lộn. Để giúp các nhà khoa học (đặc biệt là những người trẻ tuổi mới bắt đầu sự nghiệp), cán bộ làm công tác quản lý khoa học có một cái nhìn chính xác về một số cơ sở dữ liệu khoa học phổ biến, cách phân loại ấn phẩm khoa học trong các cơ sở dữ liệu này và xu hướng đánh giá ấn phẩm khoa học ở Việt Nam trong thời gian tới, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học-Viện Toán học đã tổ chức buổi tọa đàm

Một số phương pháp phân loại chất lượng ấn phẩm khoa học phổ biến trên thế giới và xu hướng đánh giá ở Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm này, TS. Lê Xuân Thanh, Viện Toán học, đã giới thiệu đến mọi người những thông tin chi tiết về một số cơ sở đánh giá các tạp chí như Web of Science (WoS), Scopus, các chỉ số đo lường tạp chí (Impact factor, Scimago Journal Rank, CiteScore, H-index), danh mục Q1, Q2, Q3, Q4...

Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của Ban lãnh đạo Viện Toán học, Ban điều hành Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học, hai Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Journal of Mathematics và tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, nhiều nhà khoa học uy tín từ Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành và Hội đồng Khoa học của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cùng hơn 60 nhà khoa học từ các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy ở Hà Nội.

Không khí của buổi tọa đàm được hâm nóng với những thảo luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tổng biên tập các tạp chí uy tín về các chỉ số đo lường và về tính hợp lý trong cách đánh giá các tạp chí hiện nay. Bên cạnh đó, một số thông tin về danh mục các tạp chí uy tín do quỹ NAFOSTED ban hành trong tương lai và tiêu chí đánh giá chất lượng ấn phẩm khoa học của một số cơ quan nghiên cứu uy tín ở Việt Nam "đã được rò rỉ".

Do sự đón nhận nhiệt liệt của đông đảo người nghe, phần hai của buổi tọa đàm sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất với những thông tin về các danh sách tạp chí khoa học uy tín đang được sử dụng ở Việt Nam và cách nhận biết các tạp chí kém chất lượng, tạp chí săn mồi.